Khát khao một hạnh phúc

 On Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2015  

Khát khao một hạnh phúc
Trời đã nhá nhem tối. Nền trời chẳng còn màu xám tro nữa, thay vào đó là một tấm chăn dầy đen kịt. Sương xuống, phố bắt đầu lên đèn, có một cậu bé ngồi co ro bên lề đường. Chiếc áo sơ mi cộc kẻ ca rô đã trở nên cũ kĩ và bạc màu theo thời gian, những đường chỉ sứt ra ở một bên cầu vai. Mỗi lần có một cơn gió lạnh thổi qua là tấm thân gày gò mảnh dẻ của cậu bé lại rung lên. Trên đường dòng xe vẫn đi lại tấp nập, ồn ào...

      Nó ngồi đó, lặng im. Trên mép còn dính chút máu đỏ tươi. Trên đường xe cộ vẫn đi lại, hết xe máy, xe đạp lại đến ô tô. Nó hướng mắt về phía cột đèn giao thông, đèn đỏ, đèn vàng, đèn xanh thay nhau sáng thật vui mắt. Không hiểu sao mỗi khi cảm thấy buồn chán nó lại thích ngắm những ánh đèn này. A! Đèn xanh rồi. Dòng xe cộ ngừng hẳn lại cho người đi bộ qua đường. Có một bà mẹ trẻ đang dắt một bé gái tầm bảy, tám tuổi trên những vạch sơn. Đứa bé dùng dằng nũng nịu, người mẹ trẻ vỗ về yêu thương. Khóe mắt nó bỗng cay xè, giọt nước mắt lăn vội qua bờ mi xuống má, xuống cằm. Những kỉ niệm xưa ùa về trong tâm trí nó như những thước phim quay chậm tràn đầy cảm xúc...
      Ngày ấy bà nội nó còn sống, hiền lành, phúc hậu như một bà tiên. Lúc nào bà cũng cho nó đi chơi cùng, dắt nó qua đường mỗi khi đèn xanh trên cột đèn giao thông bật sáng. Tối tối, bà lại mê hoặc nó bằng một thế giới cổ tích thần tiên có chàng Thạch Sanh dũng cảm, có nàng Bạch Tuyết xinh đẹp. Hơi trầu phả ra, thơm ngọt, ru nó vào những giấc mơ dịu êm.
Khát khao một hạnh phúc
Ảnh minh họa: Internet

     Thế mà cuộc sống phũ phàng này lại nhẫn tâm cướp người bà thân yêu của nó về một nơi xa lắc, cái nơi mà nó chẳng thể với tay tới. Nó nhớ bà lắm lắm mà chẳng biết phải làm thế nào để có thể được ở bên bà. Khi ấy nó lại chạy ra đây, nhìn đèn xanh, đèn đỏ, nó thấy gương mặt bà hiện lên thật ấm áp trong những tia sáng khi đèn xanh bật sáng.
      Cuộc sống chưa ổn định được bao lâu từ khi bà mất thì nhà máy tinh giảm biên chế, ba nó mất việc. Cảnh nhà trở lên nghèo túng chật vật. Rồi ba đi chơi cùng đám bạn xấu, dần dần chẳng còn là người cha yêu thương của nó khi xưa nữa.Cuộc đời ba dần tràn ngập trong những cơn say. Tối về, ba hay lôi mẹ con nó ra đánh ra chửi. Khi ấy nó sợ hãi nép sau lưng mẹ. Trông ba như một con ác thú, điên dại trong những cơn say, ngửa mặt lên trời cười ha hả. Đánh chửi chán rồi ba vào giường ngủ một giấc đến tận sáng . Ngày mai ba lại tiếp tục uống rượu, tiếp tục say, tiếp tục đánh chửi. Chỉ có mẹ con nó là lủi thủi dọn dẹp những mảnh chén bát vỡ, nó khóc, khóc rất nhiều vào những giây phút ấy. Nó cứ nghĩ cuộc sống tồi tệ lắm rồi ấy thế mà sau này cuộc đời nó còn có những giây phút khủng khiếp hơn...
      Rồi ba nghiện, cái thứ bột trắng chết người. Giờ đây mẹ con nó không chỉ chịu những trận đòn vào buổi tối mà còn phải chịu thêm những giây phút tra tấn vào ban ngày. Bố nó đi biệt tăm ba bốn ngày, khi hết tiền lại về đòi mẹ con nó. Có những lần nó còn thấy ba dí dao vào cổ mẹ. Nó khiếp đảm, lặng người, trước mắt nó giờ đây chẳng còn là người cha thân yêu thủa nào mà là một con ác quỷ thật sự . Ba bỏ đi rồi, mẹ lại ôm nó vào lòng, khóc nghẹn ngào. Giọt nước mắt của mẹ mặn chát chảy xuống miệng nó. Nó buồn. Đến lớp nó luôn bị bạn bè trêu trọc. Mấy bà hàng xóm mỗi khi thấy nó đi qua lại dè bỉu:
_Đấy, con thằng nghiện đấy.
_Bố như thế thì sớm muộn thằng con nó cũng thế thôi.
_ Cẩn thận đấy, không khéo nó lại sang nhà mình ăn trộm như chơi.
     Khi ấy trái tim nhỏ bé non nớt của bố đau thắt lại. Nó để mặc những lời trêu chọc, khinh rẻ ấy lại sau lưng. Ít ra lúc này nó cũng có một hạnh phúc nhỏ nhoi ở bên cạnh. Thế mà có một ngày tia sáng cuối đường hầm ấy cũng đến lúc vụt biến mất.
Một buổi chiều, khi nó đi học về thì mẹ đang dọn túi đồ. Nó ngạc nhiên lắm.
_Mẹ ơi, mẹ đi đâu đấy.
_Sang này, con mười hai tuổi rồi nhưng vẫn còn dại lắm. Sau này khi không có mẹ bên cạnh phải biết tự lo liệu nhé. Đừng cãi khi ba chửi, kẻo lại bị đánh đau hơn.- Mẹ vừa nói vừa kéo nó vào lòng, xoa vào mái tóc xơ xác của nó
_Mẹ, Mẹ đi đâu, cho con đi theo với..
_Mẹ xin lỗi, mẹ chẳng thể cho con đi cùng được, người ta không cho.
_Mẹ xin người ta đi, mẹ bỏ con rồi con biết sống sao. Con sợ ba lắm, ba chẳng thương con.
_Mẹ xin lỗi, mẹ không thể... Mẹ nó khóc, nước mắt chảy dàn dụa.
     Có tiếng còi ô tô ở cổng, mẹ nó cầm túi chạy vụt ra, nó vội đuổi theo. Đôi chân của nó chẳng thể nào đuổi kịp bốn cái bánh xe đen xì của chiếc xe quái ác đã đem người mẹ thân yêu của nó đi xa mãi. Nó ngã dúi dụi, đầu gối rớm máu, nhưng chút thương tích ấy chẳng thấm vào đâu so với nỗi đau mất mẹ. Giờ nó biết sống sao đây?
     Chiều hôm sau ba về. Ba vừa vào nhà, nó đã thấy cái mùi nồng nặc của rượu bốc lên cánh mũi, ghê đến buồn nôn. Ba hằm hè, cái giọng lè nhè của người say:
_Mẹ mày đâu rồi?
_Mẹ đi rồi.
_Đi đâu?
_Con không biết.
_À, chắc con mẹ mày lại bỏ nhà theo giai rồi chứ gì, con này láo, lại dám nảy nòi đĩ thõa cơ đấy.
_Con xin ba, ba đừng nói mẹ con như vậy.
_A, thằng ranh, lại còn đi bênh con mẹ mày cơ à- “Bốp”, ba tát nó một cái tát trời giáng.
_....
_ Cấm khóc, tiền đâu?
_Con không có.
_Mày đừng có điêu, chẳng nhẽ con mẹ mày đi rồi lại không dúi cho mày đồng nào à? Đưa đây nhanh lên, hay muốn ăn đánh hả thằng ranh?
_Con không có thật mà.
_Mày còn dám giấu à. Hôm nay tao không dạy mày một bài học thì mày không sáng mắt ra được.
      Thế là ba trút hết mọi bực tức, căm hận lên tấm thân nhỏ bé của nó. Nó cắn răng không dám khóc, nó biết nếu nó khóc thì ba sẽ càng đánh đau hơn thôi. Đánh nó chán, ba bảo:
_Mai tao bán nhà.
_Con xin ba, đây là nhà ông bà nội để lại mà.
_Tao bán là quyền của tao, mày là cái đếch gì mà dám lên tiếng.
_Ba ơi, con xin ba.
_Tao có gì mà mày xin với xỏ. Không bán thì lấy tiền đâu mà hút.
_Ba bán nhà rồi con biết sống ở đâu.
_Mặc xác mày, ai bảo ngu, không biết bám theo con mẹ mày.
_Ba ơi...
_Tao không phải ba mày, làm sao tao lại có thể đẻ ra một thằng ngu như mày được. Cút! Cút ngay ra khỏi nhà tao!
_....
_ Sao còn chưa đi, hay để tao cho mày một nhát hử. Xéo ngay khỏi mắt tao.
     Nó lặng lẽ lê bước khỏi ngôi nhà hơn chục năm nay nó đã sống. Nó biết ba nó không nói chơi đâu, ba nó làm thật đó. Vậy là giờ đây nó đã trở thành một đứa trẻ bơ vơ, không nhà không cửa... Bà ơi! Bà ở đâu chẳng về bên cháu...





     Đêm tối xuống thật nhanh, xung quanh bóng tối dày đặc. Nó vẫn ngồi đó, lẻ loi, rét run. Hơi lạnh thấm vào trong tận cuống phổi, lạnh buốt, chiếc áo sơ mi cũ sờn chẳng thể nào sưởi ấm tấm thân gày gò đang run lên từng đợt. Mùi ngô luộc bốc lên thơm lừng, quyện thêm cái ngọt ngào của mùi khoai lang nướng. Bụng nó sôi lên sùng sục, cả ngày hôm nay nó chưa có gì bỏ vào bụng cả. Vừa đói, vừa rét nó ngồi sát vào bức tường lạnh ngắt. Một bé gái đi qua nhìn thấy nó, bé mỉm cười:
_Anh ăn khoai nướng không?
_... – Nó mở to đôi mắt ngạc nhiên, lâu lắm rồi trừ mẹ nó ra chưa có ai nói với nó một cách trìu mến đến vậy, khóe mắt nó cay xè.
_Anh cầm lấy này.
      Nói rồi bé gái chạy ra chỗ người mẹ đang đứng. Nó bàng hoàng xen lẫn xúc động, củ khoai cầm trên tay nóng hổi, thơm ngào ngạt. Nó bóc vội lớp vỏ, cắn một miếng thật to. Hơi nóng từ khoai tỏa ra nóng giẫy. Miếng khoai vàng ươm, nóng hổi. Loáng một cái củ khoai đã bị cái bụng đói đang kêu gào ầm ĩ của nó nuốt chửng một cách nhanh chóng. Bụng nó vẫn còn đói cồn cào, dường như củ khoai chỉ làm cái đói tăng lên từng phút, từng giây mà thôi. Trời càng ngày càng lạnh, có lẽ nó phải tìm một chỗ ngủ trước đã. Nó lần mò ra gầm càu, nơi đây có mấy cái bao tải bẩn thỉu, cũ nát. Nó chẹp miệng “Có là tốt rồi”. Đắp chiếc bao tải rách nó cố ngủ một chút. Gió lạnh đến thấu xương, những vết bầm tím do bị đánh nay càng trở lên buốt nhói hơn. Nước mắt nó chảy dài, cuối cùng nó cũng thiếp đi vì đói, vì mệt và cả vì đau nữa.
_Thằng ôn con, dậy mau!
     Tiếng thét chói tai làm nó bừng tỉnh giấc. Trời đang dần sáng, trước mặt nó là một lũ trẻ trạc tuổi. Nó vẫn còn đang bàng hoàng chưa biết chuyện gì xảy ra.
_Thằng kia,ai cho mày vào địa phận của tụi tao?
_Thằng này chắc là ma mới đại ca ơi, nhìn cái mặt ngu phải biết.
_Thằng này láo, hỏi mà không trả lời, lại dám xông vào địa bàn của chúng ta, cho nó một trận đi bọn mày ơi.
    Thế là lại đấm, lại đánh, cơ thể nó quằn quại theo những trận đòn. Giờ đây nó trông chẳng khác nào tàu lá chuối trong một cơn bão, tả tơi, rách xơ xác. Bụng nó thắt lại vì đói, vì đau.
_Bọn mày thôi đi- một thằng bé gày gò, lạ hoắc xuất hiện.
_Không phải việc của mày, tránh ra đi.
_Chúng mày tha cho nó, tao đưa cho bọn mày cái bánh mì sáng nay mới mua, chịu không?
_Thế cũng được, xéo mau thằng oắt, lần sau cấm được bén mảng tới đây nghe chưa.
     Nó lồm cồm bò dậy, lê lết. Thằng bé kia cầm tay nó kéo vội đi vào một đoạn đường vắng.
_Đau không mày? Mới đi bụi à? Ai bảo mày bén mảng tới địa bàn của bọn Minh “gấu” làm gì
_...
_Chắc đau, từ giờ mày cứ gọi tao là Nam “sứt”, bọn nó vẫn hay gọi tao thế. Này ăn đi.
     Vừa nói thằng nhóc vừa bẻ cho nó một nửa cái bánh mì lạnh ngắt, dai chằng. Ăn xong nó được Nam “sứt” kể sơ lược về cuộc đời đi bụi.
_Mày về nhà đi, tao nhìn mày thấy có vẻ là con nhà tử tế. Đừng đi bụi như tao khổ lắm.
_Tao không có nhà.
Nó kể cho Nam “sứt” nghe qua về hoàn cảnh cho nó. Nam “ sứt” bảo sẽ xin cho nó một chân rửa bát, còn Nam “sứt” có kinh nghiệm hơn sẽ đi bán báo, bán vé số và đánh giày.
Thế là từ đấy nó trở thành một thằng bé rửa bát thuê. Tối về hai thằng lại co quắp ôm nhau ngủ đến tờ mờ sáng. Công việc rửa bát với nó chẳng dễ dàng chút nào. Tiền công rẻ mạt. Mùa đông buốt giá những ngón nay ngâm lâu trong nước trở lên lạnh ngắt, cứng đờ. Dầu mỡ bám vào tay nó nhờn bóng. Đôi khi nó làm vỡ cái bát, cái đĩa. Khi ấy bà chủ đay nghiến nó thậm tệ, lôi cả họ hàng, bố mẹ của nó ra mà chửi.
_Thằng ranh, có mấy cái bát mà rửa cũng không xong.
_ Cái loại mày lang thang đầu đường xó chợ tao vốn có lòng thương người nên mới nhận đấy. Mày thử hỏi cả cái chợ này xem có ai thèm nhận loại người như mày không.
_Không biết ba mẹ mày là loại người gì mà lại đẻ ra một thằng như mày...
      Nó cắn răng chịu nhục bởi lẽ nó không làm thì lấy gì mà ăn, phải khó khăn lắm nó mới bám trụ được ở quán ăn này. Người ta có tiền, người ta có quyền chửi, có quyền mắng, nó phải nhịn, bắt buộc phải nhịn. Trong thời gian này, nó cũng gắng quen với ánh mắt thương hại, khinh rẻ pha lẫn miệt thị của mọi người. Cuộc sống đã rèn luyện cho nó khả năng chịu đựng mà trước đây nó không hề ngờ tới.
     Ít ra nó cũng có những giây phút hạnh phúc trong ngày. Tối về nó lại dạy chữ cho Nam “sứt”, thằng bé này mù chữ. Hai thằng thân nhau đến lạ, chắc là do đồng hoàn cảnh. Mặc dù khổ đấy, rét đấy, đói đấy nhưng nó không còn phải chịu những trận đòn thừa sống thiếu chết của ba nữa.
      Thỉnh thoảng nhớ bà, nhớ mẹ nó vẫn mon men về ngôi nhà cũ. Ba đã bán căn nhà cho người khác, sau đó bỏ đi đâu mất tăm. Có người nói ba nó đã chết vì chích quá liều. Có người nói ba nó đã nhập bọn với bọn trộm cướp. Dẫu sao đấy cũng chỉ là những suy đoán vẩn vơ, những lời đồn đại thiếu căn cứ, chứ sự thật thế nào chẳng ai rõ cả. Đấy là tất cả những gì Nam sứt đã hỏi thăm hộ nó. Nó chẳng dám lộ mặt, sợ những người hàng xóm cũ nhận ra, ghẻ lạnh, khinh bỉ. Nó thấy sợ tất cả ánh mắt của người xung quanh nhìn nó.
     Một tối mùa đông, trời lạnh lắm, rét buốt, hai thằng vừa kết thúc những công việc trong ngày. Nam “sứt” chìa ra cho nó một đôi găng tay cao su:
_Cho mày nè, rửa bát đeo vào cho bớt lạnh, tay mày tê cứng lại hết rồi.
_Mày thì sao?
_Tao thì cần gì.
     Thằng bạn cười hề hề, lộ ra cái răng sứt do bị đánh tơi tả lúc bắt đầu đi bụi. Nó thấy thương thằng bạn quá. Nam “sứt” cũng khổ khác gì nó, ba mẹ ly hôn từ khi còn nhỏ, ở với ba và dì ghẻ, bị đánh đập tàn tệ đến lỳ đòn, bị dì vu cho tội ăn cắp đuổi khỏi nhà, thế là đi bụi.
_Ăn đi mày.
 Nam “sứt’ chìa cho nó cái bánh mì, hai thằng cùng nhồm nhoàm nhai. Mấy chiếc bánh mỳ lạnh ngắt, mềm oặt, chẳng đủ lấp đầy dạ dày của hai đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ. Nó dạy thằng Nam mấy phép tính rồi hai thằng ôm nhau lăn ra ngủ.
_Dậy, dậy đi mày.
      Nhận ra tiếng của thằng Nam, nó bàng hoàng tỉnh giấc. Xung quanh màn đêm vẫn trĩu nặng trên các cành cây, con phố. Trước mặt nó lập lòe đôi ba đốm sáng quái dị.
_Suỵt! -Thằng Nam ra dấu.
      Dụi dụi đôi mắt vẫn còn đang ngái ngủ, nó nhận ra trước mặt mình là một bọn nghiện đang chích hút. Hình ảnh ba thoáng hiện về khiến nó rùng mình.
_Thu dọn đồ, chuồn mau.- Giọng Nam “sứt” tuy nhỏ nhưng cũng vừa đủ nghe, rõ ràng, rành mạch.
      Nó vội vàng làm theo, không thắc mắc, không ý kiến. Đang đêm mà hai thằng chạy bán sống bán chết ra khỏi khu vực đó. Vừa chạy nó vừa có cảm giác ánh lửa le lói như ma trơi vẫn đuổi theo hai thằng. Nam “sứt” bảo hễ gặp bọn nghiện thì phải rút êm, bọn đấy thì liều lĩnh không ai bằng. Có lần Nam “sứt” thấy thằng nghiện dí kim tiêm vào bà bán hoa quả, xin tiền giữa ban ngày ban mặt, kể ra thì dính một mũi là đời đi tong, AIDS như chơi. Nó tự hỏi liệu ba nó có khi nào thiếu thuốc cũng liều lĩnh đến như vậy không nhỉ, hồi xưa nó cũng thấy ba từng dí dao vào cổ mẹ đòi tiền rồi.
      Chạy một đoạn khá xa, hai thằng mới dừng lại, thở gấp. Nó có cảm giác cổ họng mình khát khô, hơi thở phả ra nóng bừng. Trời đêm sương xuống rét run. Hai thằng nhìn nhau, tự hỏi không biết từ giờ sẽ ngủ ở đâu.
_Mày ơi, vào kia.
      Nhìn theo hướng Nam “sứt” chỉ, nó thấy hiên vắng xám xịt, lạnh ngắt. Thế là hai thằng lại kéo nhau vào đấy, ôm nhau ngủ cho tới khi trời sáng hẳn.
_Dạy đi cháu, sao lại ngủ ở đây?
      Nó dụi mắt, nhìn sang Nam “sứt”, thằng này cũng đang nghệt mặt ra y như nó. Trước mặt nó là một người đàn ông với quai hàm hơi bạnh, nụ cười ấm áp, hiền từ. Nó lí nhí:
_Cháu xin lỗi, chúng cháu đi ngay đây ạ.- Nó huých cùi trỏ vào Nam “sứt” giục thu dọn đồ.
_Thế hai thằng định đi đâu bây giờ?
_Cháu...cháu..cũng.. chưa biết.- Mắt nó cụp xuống, đôi chân di di đất, ấp úng.
_Hai thằng vào đây với chú.
      Nó và Nam “ sứt” ngỡ ngàng đi theo người đàn ông lạ. Đây là một quán sửa xe vừa phải. Hai thằng vừa đi vừa liếc nhìn nhau e ngại. Chú chủ quán đưa hai thằng vào, đưa cho mỗi thằng một chiếc bánh mì, bảo ăn đi. Đói quá, thằng Nam “sứt” ăn ngấu nghiến. Nó chẳng dám ăn mặc dù cái bụng cũng đang biểu tình sôi nổi.
_Ăn đi cháu, đừng ngại. Sao nhìn mặt sáng sủa mà lại đi bụi thế này?
     Cái đói át cả sự hoài nghi, nó cắn những miếng to trên chiếc bánh mì nóng hổi. Lâu lắm rồi nó mới được ăn một chiếc bánh ngon như thế này. Mọi khi hai thằng vẫn thường ăn những chiếc bánh mì lạnh ngắt, dai chằng, bán rẻ vì để lâu, bán ế. Đợi hai đứa ăn xong chú bảo cả hai kể hoàn cảnh cho chú nghe. Chú bảo giờ chú đang thiếu người làm, nếu muốn hai thằng có thể ở lại làm phụ việc và học phụ xe. Hai thằng tròn mắt nhìn nhau. Thế là từ đấy nó bắt đầu sửa xe. Từ lau xe đến thay lốp, vá xăm nó chẳng ngại khó cũng chẳng ngại khổ, ngại bẩn. Công việc tuy có vất vả thật đấy nhưng nó thấy vui vì nó kiếm tiền trên chính sức lao động của mình, nó không bị ai nhìn với ánh mắt khinh rẻ, coi thường nữa. Mơ ước trở thành một người thợ sửa xe lớn dần trong nó. Có thể với mọi người đấy chẳng phải là một việc đáng mơ ước nhưng với nó đó là cả một giấc mơ, giấc mơ có thể mang lại cho nó khát khao hạnh phúc bấy lâu.

Nguồn: duongngo.com

Bài viết liên quan:

Chia sẻ lên mạng xã hội | Về trang chủ | Tên miền | Tải máy ảo | Thủ thuật | SEO
Khát khao một hạnh phúc 4.5 5 Unknown Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2015 Khát khao một hạnh phúc - Bởi thế gian say mãi chén rượu tình - Truyện ngắn trên DuongNgo.Com Trời đã nhá nhem tối. Nền trời chẳng còn màu xám tro nữa, thay vào đó là một tấm chăn dầy đen kịt. Sương xuống, phố bắt đầu lên đèn, có mộ...


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Hoan nghênh bạn để lại bình luận, nhưng đừng spam nhé :p Xem điều khoản

IELTS | TOEIC | TOEFL | OneDrive Unlimit | Bao súng da thật | Bao còng số 8

Back to top